Skip to main content

Tham gia hội thi múa sư tử mèo lần thứ 2 năm 2023 của huyện Cao Lộc.

Ngày 04/02/2023 ( tức ngày 14 tháng Giếng Âm lịch năm Quý Mão), xã Cao Lâu đã dẫn 02 đội sư tử thôn Bản Xâm, thôn nà Va tham gia hội thi múa sư tử mèo lần thứ 2 năm 2023 huyện Cao Lộc tại Lễ hội Gia Cát.

Đại diện 02 đội thi xã Cao Lâu tại Hội thi múa sư tử mèo

Đại diện 02 đội thi xã Cao Lâu tại Hội thi múa sư tử mèo

Múa sư tử mèo là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của người Tày, Nùng. Sư tử mèo còn mang trong mình biểu tượng của sự may mắn, uy phong, tinh thần thượng võ, đi đến đâu thì mang sự thịnh vượng, hạnh phúc, no đủ và niềm vui đến đó. Múa sư tử của người Tày, Nùng là khát vọng của con người về một cuộc sống tốt đẹp, đồng thời, thể hiện tinh thần đấu tranh của họ chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên, xua đuổi tà ma và ác quỷ, cầu mong sự ấm no, hạnh phúc. Các nghi lễ, trò diễn trong múa sư tử thể hiện sự giao hòa giữa trời, đất, nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, cầu mong cuộc sống tốt đẹp, cách ứng xử giữa người với người, người với thiên nhiên và con người với xã hội…

Một số hình ảnh tham dự Hội thi của 02 đội xã Cao Lâu.

Đội sư tử thôn Nà Va, xã Cao Lâu đang trình diễn phần thi của độiĐội sư tử thôn Nà Va, xã Cao Lâu đang trình diễn phần thi của đội

Đội sư tử thôn Nà Va, xã Cao Lâu đang trình diễn phần thi của đội.

Đội thi thôn Bản Xâm, xã Cao Lâu đang trình diễn phần thi của độiĐội thi thôn Bản Xâm, xã Cao Lâu đang trình diễn phần thi của đội

Đội thi thôn Bản Xâm, xã Cao Lâu đang trình diễn phần thi của đội.

Mỗi đội múa sư tử mèo gồm 20 người: Người múa sư tử, đười ươi, mặt khỉ và đội múa võ dân tộc. Múa sư tử mèo có những vật dụng, đạo cụ đặc trưng không thể thiếu như: Mặt báo đông, mặt nả lình (còn gọi là mặt khỉ); chiêng (là), chũm chọe (xụp xè, xấp xóa, nghé xả); đinh ba chạc (sam xa), gậy, đoản đao (pàn tao), kiếm, dao nhọn. Các nhạc cụ dùng trong múa sư tử mèo khá đa dạng, gồm: Trống, chiêng, chũm chọe. Mỗi nhạc cụ có một âm thanh khác nhau, nhưng khi hòa tấu thì trở thành một dàn nhạc dân tộc rất độc đáo, đặc sắc.

Tại hội thi này, dưới sự nỗ lực luyện tập cũng như trình diễn màn múa sư sử, màn võ thuật đẹp mắt của các thành viên 2 đội thi múa sư tử, xã Cao Lâu đã đạt 01 giải ba, 01 giải khuyến khích.

Múa sư tử ở Lạng Sơn có nhiều tên gọi khác nhau phù hợp với ngôn ngữ, giọng điệu của từng vùng như: Kỳ Lằn, Phụ, Loòng Phụ, Phụ mèo… Nhưng tên gọi chung được sử dụng tương đối phổ biến hiện nay là múa sư tử mèo. Múa sư tử mèo là loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố: âm nhạc, mỹ thuật, múa… có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội và nhiều giá trị khác thể hiện một cách sinh động về nhân sinh quan, thế giới quan, tư tưởng, tình cảm và khát vọng của người Tày Nùng, gắn liền với những giá trị nhân bản mang tính hướng thiện. Những giá trị này đã tạo nên bản sắc văn hóa được cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng lưu giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Với những đặc trưng đó, múa sư tử mèo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo Quyết định số 1852 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) ngày 8/5/2017. Từ đó đến nay, công tác bảo tồn di sản này càng được các cấp, ngành và nhiều người dân trên địa bàn tỉnh quan tâm, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống trong đời sống hiện đại.

Một năm mới nữa đã đến, chắc hẳn đối với mỗi người khi có dịp thưởng thức những điệu múa sư tử mèo truyền thống đều cảm thấy yêu và trân trọng hơn những vốn quý văn hóa mà ông cha ta đã dày công bồi đắp, gìn giữ. Trân quý hơn nữa khi di sản này được cả cộng đồng chung tay gìn giữ, phát huy. Để trong nhịp sống hiện đại này, di sản múa sư tử mèo ngày càng lan tỏa và khẳng định sức sống với thời gian./.

Nguồn: Ban biên tập Trang TTĐT xã Cao Lâu./.

About